Thông báo

logo

TÂM SỰ CỦA CÔ GIÁO TRẺ

TÂM SỰ CỦA CÔ GIÁO TRẺ

“Ước muốn ngày nào

Ấp ủ trong tim

Mai đây làm cô giáo,...”

Khi còn là một cô bé tiểu học, không hiểu sao tôi rất thích làm cô giáo. Có lẽ ở cái độ tuổi ấy, đó là ước mơ không chỉ của riêng tôi. Vì ở cái độ tuổi ấy, hồn nhiên vô tư, thấy hình tượng thầy cô giảng bài trên bục sao mà đẹp đẽ thế và mong mai này mình cũng sẽ đứng trên bục giảng với cương vị là một cô giáo. Tuổi thơ của tôi trôi qua cùng trò chơi đóng vai làm cô giáo với “học trò” là mấy đứa em và vài đứa nhỏ hàng xóm. Và ý thức về nghề giáo theo đó lớn dần trong tôi…

Nhớ lần đầu tiên khi đi thực tập tại THPT Chí Linh- Hải Dương với tư cách là một giáo sinh, cảm giác trong tôi thật kỳ lạ. Đó là cảm giác hạnh phúc vì một phần ước mơ đã trở thành sự thật, là cảm giác tự hào xen kẽ với sự hồi hộp, lo lắng...Nhưng các em học sinh rất đáng yêu, gần gũi đã xoa dịu đi rất nhiều nỗi lòng ấy của tôi. Những năm tháng ngồi trên giảng đường, tôi học hỏi và tiếp thu bằng tất cả khả năng và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Thời gian thế mà trôi thật nhanh, vậy là đã “3 năm tôi được làm cô giáo”.

Ngày đầu tiên thực sự làm cô giáo, cứ như mới hôm qua vậy. Người ta thường nói cảm xúc ban đầu thường sâu đậm, khó phai trong tâm trí của mỗi người. Nó giống như tình yêu đầu đời luôn để lại nhiều ấn tượng, cho dù sau này có trải qua bao nhiêu cuộc tình cũng không thể sánh bằng cái tình cảm ban đầu tinh khôi ấy. Với tôi, giây phút đầu tiên được đứng trên bục giảng, trước những em học sinh nhỏ bé xa lạ vẫn còn in sâu vào tâm trí, vẫn còn tràn đầy trong tim, chất chứa ở nơi quan trọng nhất của ngăn nhớ kỷ niệm.

Tôi vẫn nhớ một cô giáo ở trường Đại học Sư phạm đã nói với chúng tôi rằng: “Là một nhà giáo, các thầy, các cô phải học cách trở thành một người thông thái, một người thông thái không phải vì mình; một người thông thái vì các thế hệ học trò biết sống và biết nghĩ… Khi bạn là một người thầy, bạn không bao giờ được phép cô đơn trong suy nghĩ của mình. Một người thầy luôn phải nghĩ hai lần, một lần cho lớp học và một lần cho chính từng học sinh”. Và đến bây giờ tối mới hiểu được rằng kiến thức được học trong sách vở với những trải nghiệm thực tế trên bục giảng hoàn toàn khác nhau, khác xa một trời một vực. Học trò thì thời nào cũng quậy, chẳng thế mà có câu “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”, cho nên những tiết giảng đầu tiên là những va vấp thay cho cái lung linh sắc hồng mà tôi vẫn thường tưởng tượng. Ngày ấy, tôi lóng nga lóng ngóng tập quen với những tình huống sư phạm thực tế mà không sách vở nào phân tích rồi đưa ra lời giải đáp sẵn cho mình. Tôi còn vụng về lúng túng trước những trò đùa nghịch ngợm của học sinh. Những ngày tháng đầu tiên của đời cô giáo, tác phong sư phạm còn non nớt, bàn tay còn run run khi viết nét phấn đầu tiên, giáo án còn thường xuyên bị “cháy”, nhưng cái duyên đến với nghề giáo cùng sự động viên của các đồng nghiệp đã giúp tôi cố gắng từng ngày để tự hoàn thiện, tự chiến thắng cái sự thiếu kiên nhẫn của mình. Qua từng bài giảng, tôi nhận ra rằng mình không chỉ mang kiến thức và kỹ năng đến cho người học mà đôi khi mình sẽ học được nhiều điều từ học trò. Và tôi luôn nhủ thầm với bản thân “hãy cởi mở để đón nhận, đừng giữ khoảng cách và đừng ngại tiếp thu.”

Trở thành giáo viên, không đơn giản như trò chơi cô giáo thuở tôi còn nhỏ, mà là cả một quá trình phấn đấu miệt mài bằng tất cả lòng say mê. Người thầy không chỉ truyền đạt cho học sinh kiến thức mà còn dạy các em thành người trước khi thành tài. Xã hội phát triển mang lại cho các em học sinh nhiều cơ hội tiếp cận tri thức nhưng cũng chứa đầy cám dỗ khiến các em đi chệch hướng, nhất là khi một số chuẩn mực sống đã bị đưa đẩy theo những mặt trái của đời sống hiện đại. Cho nên chính thầy là người dìu dắt các em bước qua những cám dỗ ấy, thắp sáng ước mơ, chắp cánh cho những hoài bão của bao thế hệ học sinh. Bằng những việc làm cụ thể như: phụ đạo giúp đỡ các em học sinh yếu kém, hướng dẫn tận tình cho các em trong học tập và ôn thi, nhắc nhở các em đi học chuyên cần, rèn luyện nề nếp học tập, tránh xa các tệ nạn xã hội, giữ gìn sức khỏe, biết tự chăm sóc bản thân, thầy đã trở thành người thân, là chỗ dựa cho các em khi sống xa gia đình. Những việc làm đó tuy nhỏ bé nhưng thầy phải làm với tất cả lòng yêu nghề, yêu học sinh tha thiết, xuất phát từ cái tâm của người dạy chữ. Suốt gần 30 năm qua, các thầy cô, đồng nghiệp của tôi đã làm điều đó dưới mái trường Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Dũng. Tôi thực sự ngưỡng mộ họ vì cái nhiệt huyết đam mê yêu nghề, yêu trường, yêu bao thế hệ học sinh luôn bùng cháy trong suốt gần 30 năm đó. Và tôi, là thế hệ cô giáo trẻ, đều đặn ngày 2 buổi đến lớp, vẫn tiếp tục thắp sáng nhiệt huyết ấy, để đến gần 30 năm sau nữa, truyền thống đẹp của ngôi trường này vẫn tiếp tục cháy mãi.

Ba năm qua, tôi đã sống, đã tha thiết, đã say mê dưới mái trường này. Tôi cảm thấy thực sự vinh hạnh vì mình đã được đồng hành 3 mùa tựu trường trong khoảng thời gian gần 30 năm hình thành và phát triển của tổ ấm yêu thương này. Ba năm đầu tiên tôi bước vào nghề giáo, những khó khăn, bỡ ngỡ qua đi chỉ còn lại yêu thương, khát vọng và mong ước. Yêu thương và khát vọng xin giành cho các đồng nghiệp tuyệt vời, cho tất cả học sinh thân yêu mà tôi luôn vững tin vào sự thành người và thành tài của các em. Mong ước của tôi, luôn da diết và bền chặt, về mái nhà chung mà tôi đã và đang gắn bó bằng một lòng nhiệt huyết say mê tuyệt diệu, rằng nơi đây sẽ từng phút từng ngày luôn tràn ngập tiếng cười, luôn tràn ngập hương hoa, luôn chan chứa tình yêu thương. Mong cho mái ấm này luôn luôn là nơi yêu dấu bình yên cho lớp lớp học sinh, cho những người làm thầy như tôi luôn được say mê, tha thiết với nghề, với đời, và cho những người đi xa luôn da diết, hớn hở mỗi khi tìm về …….

         Sắp tới ngày hiến chương Nhà giáo Việt Nam, xin chúc tất cả những người thầy, người cô đã và đang công tác sẽ có thật nhiều sức khỏe để cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Lương Thị Thu Trang

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Dũng