TRUNG TÂM GDNN-GDTX HUYỆN YÊN DŨNG HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS NĂM 2024
Thực hiện công văn số 2109/SGDĐT-GDMN ngày 12/11/2024 của Sở GD & ĐT Bắc Giang về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024. Hôm nay, bộ phận Y tế của Trung tâm xin gửi đến các thày cô và các em học sinh những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS và biện pháp phòng ngừa.
- Định nghĩa
HIV được viết tắt của cụm từ “Human Immunodeficieny Viramrus” có nghĩa là Virus gây suy giảm miễn dịch ở người. AIDS được viết tắt từ “Acquired Immunodeficieny Syndrom” hoặc SIDA viết tắt từ “Syndrome d’ Immunodeficiece Acquise” có nghĩa là “Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải”. Đặc điểm sinh học của HIV là sau khi xâm nhập cơ thể con người, virus sẽ phát triển nhân lên trong hệ miễn dịch và phá hủy các tế bào miễn dịch. Khi các tế bào miễn dịch suy giảm, sẽ tạo thuận lợi cho sự xuất hiện của các bệnh nhiễm trùng cơ hội, và gây ra các triệu chứng liên quan và các bệnh lý khối u. Nguyên nhân chính gây tử vong ở người nhiễm HIV là do các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Tuy nhiên, do chưa có vaccin phòng bệnh và do những hành vi nguy cơ dẫn đến tình trạng lây lan bệnh trong cộng đồng, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội của mọi quốc gia, vì vậy HIV/AIDS đang là mối quan tâm của nền y tế toàn cầu.
- Tác nhân gây bệnh
HIV là các ARN virus, thuộc họ Retroviridae
Hình thể và cấu trúc: HIV có hình cầu, đường kính 80 – 120 nm, gồm 3 lớp: vỏ ngoài, vỏ trong, nhân virus
- Dịch tễ học
- Các phương thức lây truyền
Lây qua đường tình dục
Virus HIV có rất nhiều trong chất dịch sinh dục của người bị nhiễm. Do vậy, virus HIV có thể xâm nhập vào máu bạn tình qua cơ quan sinh dục. Việc sinh hoạt tình dục dù có giao hợp hay chỉ tiếp xúc cơ quan sinh dục đều có khả năng lây nhiễm.
Lây qua đường máu
HIV có rất nhiều trong máu người nhiễm. Do vậy việc dùng chung bơm kim tiêm, dụng cụ y tế không qua tiệt trùng với người nhiễm HIV, truyền máu của người nhiễm HIV đều làm lây nhiễm HIV.
Riêng về ma túy, bản thân nó không sinh ra HIV nhưng người nghiện ma túy dễ dàng bị lây nhiễm HIV khi dùng chung bơm kim tiêm với bạn nghiện hoặc bơm kim tiêm tại tụ điểm bán thuốc.
Lây truyền mẹ sang con
Tỷ lệ trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV từ những người mẹ bị nhiễm HIV là 25-30%. HIV có thể lây từ mẹ sang bé qua nhau thai khi bé trong bụng mẹ, qua máu và chất dịch của mẹ khi sinh hoặc qua sữa mẹ khi mẹ cho con bú. Trẻ sơ sinh nhiễm HIV thường không sống được quá 3 năm.
- . Những đặc điểm dịch tễ học của nhiễm HIV/AIDS
Nhiễm HIV là trùng suốt đời: Khác với các nhiễm khuẩn khác, mầm bệnh chỉ tồn tại một thời gian ngắn trong cơ thể, HIV một khi đã tích hợp vào bộ gen của tế bào chủ sẽ tồn tại lâu dài. Thậm chí sau khi tử vong, HIV vẫn tiếp tục sống trong tử thi vài ngày, do vậy, người nhiễm HIV vẫn có thể truyền bệnh cho người khác
Dịch HIV là một dịch ẩn: Nhiễm HIV diễn biến qua nhiều giai đoạn từ sơ nhiễm qua giai đoạn cửa sổ, đến giai đoạn nhiễm HIV không có triệu chứng, rồi hạch sưng to dai dẳng toàn thân và cuối cùng là các biểu hiện của AIDS. Thời gian trung bình khoảng 10 – 15 năm, luôn có khả năng lây nhiễm cho người khác.
Dịch HIV/AIDS là đại dịch của toàn cầu: Những ca bệnh đầu tiên được phát hiện ở Mỹ. Theo số liệu UNAIDS tính đến cuối năm 2021, Thế giới hiện có khoảng 38,4 triệu người nhiễm HIV. Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tính đến năm 2021 có 5,7 triệu người nhiễm HIV. Trong năm 2021, có 260.000 người nhiễm mới trong đó có khoảng 14.000 là trẻ em dưới 15 tuổi, 128 ngàn người tử vong do AIDS. Đối tượng mới được phát hiện nhiễm HIV chủ yếu là nam quan hệ tình dục đồng giới (chiếm 53%). Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 10/2022, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì cả nước có 220.580 người nhiễm HIV hiện đang còn sống và 112.368 người nhiễm HIV đã tử vong. Dịch tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 80% số người nhiễm mới phát hiện trên toàn quốc (thành phố Hồ Chí Minh chiếm hơn 1/4 số người nhiễm mới phát hiện trên toàn quốc) và chủ yếu ở đối tượng nam giới (trên 80%).
- Các giai đoạn nhiễm HIV
- Giai đoạn sơ nhiễm (còn gọi là thời kỳ cửa sổ)
Thời gian kéo dài từ 2 đến 6 tháng, cơ thể hoàn toàn bình thường. Xét nghiệm HIV cho kết quả âm tính (vì thế trong giai đoạn này dễ lây bệnh cho người khác nếu quan hệ tình dục không an toàn).
- Giai đoạn nhiễm HIV không triệu chứng
Thời gian từ 5 đến 7 năm, cơ thể vẫn khỏe mạnh bình thường. Xét nghiệm cho kết quả dương tính.
- Giai đoạn cận AIDS
Vẫn không có biểu hiện đặc trưng, xét nghiệm cho kết quả dương tính.
- Giai đoạn AIDS
Có các triệu chứng sau:
Gầy sút (giảm trên 10% trọng lượng cơ thể ).
Sốt , ỉa chảy, ho kéo dài trên 1 tháng.
Xuất hiện nhiều bệnh như: ung thư, viêm phổi, lao, viêm da, lở loét toàn thân.
Người bệnh nhanh chóng tử vong tùy theo điều kiện chăm sóc và điều trị
- Điều trị bằng ARV
Thuốc kháng HIV (tên tiếng Anh: Antiretroviral viết tắt là ARV) là nhóm các thuốc có men sao chép ngược có khả năng ức chế sự phát triển của HIV. Sử dụng thuốc ARV hiện nay với 2 mục đích: Điều trị HIV và Dự phòng lây nhiễm HIV
Dự phòng lây nhiễm HIV bằng thuốc ARV
Là sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV. Dự phòng bằng thuốc ARV thường được sử dụng trong các trường hợp sau:
Dự phòng trước phơi nhiễm HIV: (Pre-Exposure Prophylaxis – PrEP): Là sử dụng thuốc ARV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV để dự phòng lây nhiễm HIV. Đây là biện pháp dự phòng chủ động.
Dự phòng sau phơi nhiễm HIV: (Post-exposure prophylaxis – PEP): Là sử dụng thuốc ARV cho người âm tính với HIV bị phơi nhiễm với HIV để dự phòng lây nhiễm HIV (ví dụ kim tiêm đâm, rách bao cao su khi quan hệ tình dục v.v..).
Điều trị bằng ARV để dự phòng lây nhiễm HIV
Là sử dụng thuốc ARV điều trị cho người đã nhiễm HIV để đạt được và duy trì lượng vi rút HIV thấp dưới ngưỡng phát hiện (< 200 bản sao/ml máu), từ đó không còn nguy cơ lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục. (Không phát hiện = Không lây truyền; K=K).
Thuốc ARV sử dụng trong điều trị cho người nhiễm HIV luôn kết hợp 3 loại thuốc khác nhau.
Với người đã được chẩn đoán nhiễm HIV, sử dụng thuốc ARV và tuân thủ điều trị tốt sẽ có tác dụng:
Giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và tử vong liên quan tới HIV: Thuốc ARV ngăn chặn sự nhân lên của vi rút. Do đó duy trì được tình trạng bình thường của hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và giảm tử vong liên quan đến HIV.
Dự phòng lây truyền HIV sang người khác: Khi điều trị ARV, lượng vi rút HIV trong máu rất thấp, do vậy giảm nguy cơ lây truyền HIV từ người nhiễm HIV ra những người khác trong cộng đồng
Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: Khi phụ nữ mang thai được điều trị ARV sớm, HIV trong máu sẽ bị ức chế ở mức dưới ngưỡng phát hiện, do vậy giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, khi sinh và sau khi sinh.
Phòng bệnh
Phòng lây truyền HIV/AIDS qua đường tình dục
Thực hiện các hành vi tình dục an toàn cho mỗi cá nhân thông qua việc thực hiện ba chữ A, B, C của cuộc sống tình dục của mỗi cá nhân:
A: Abstinence: không quan hệ tình dục
B: Be faithful: chung thủy với một bạn tình suốt cuộc đời
C: Condom: bao cao su: luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục
Phòng lây nhiễm HIV/AIDS qua đường máu
Không tiêm chích ma túy.
Chỉ truyền máu và các chế phẩm máu khi thật cần thiết, và chỉ nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV.
Chỉ sử dụng bơm kim tiêm vô trùng. Không dùng chung bơm kim tiêm. Sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, xăm, xỏ lỗ, châm cứu…
Tránh tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người nhiễm HIV
Dùng riêng đồ dùng cá nhân: dao cạo, bàn chải răng, bấm móng tay,…
Phòng lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con
Giáo dục và tư vấn cho mọi phụ nữ ở tuổi sinh đẻ về nguy cơ dễ bị lây nhiễm HIV và khả năng bị lây nhiễm HIV cho con từ người mẹ nhiễm HIV
Tư vấn nên xét nghiệm HIV trước khi kết hôn, trước khi quyết định có thai, khi có thai hoặc trước khi đẻ để áp dụng các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
Nguồn: CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS – BỘ Y TẾ
Công tác phòng, chống HIV/AIDS là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội, của từng gia đình và mỗi cá nhân. Chúng tôi hi vọng qua bài viết này sẽ trang bị cho thày cô cũng như học sinh đầy đủ những kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS từ đó mỗi cá nhân sẽ xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, tự chủ trong các mối quan hệ với bạn bè; không sa vào những tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm nhằm góp phần đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS.