Các thế lực thù địch lợi dụng các phương tiện truyền thông xã hội để tấn công vào học sinh và người sử dụng mạng xã hội bằng cách ra sức phát tán các bài viết, blog, hình ảnh, video clip bịa đặt, xuyên tạc, vu khống trên các kênh Youtube, Facebook, zalo. Do đó, các nhà trường cần trang bị cho học sinh khả năng chọn lọc thông tin để xác định đâu là tin xác thực, khách quan cần được tích cực lan truyền; đâu là tin giả, tin sai sự thật cần được đính chính, loại bỏ; qua đó góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Tác động của tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng
Tin giả được phát triển trên cơ sở những vấn đề “nóng, nhạy cảm”, gây hoang mang, nghi ngờ, mất niềm tin vào cán bộ, hệ thống lãnh đạo các cấp, ví dụ như các vấn đề về công tác nhân sự, tác động đến tâm lý cử tri, gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử, bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ cấp cao từ đó ảnh hưởng an ninh quốc gia theo nhiều góc độ khác nhau. Trước mỗi kỳ bỏ phiếu, bầu cử, tin giả xuất hiện dày đặc gây nhiễu loạn thông tin, khiến người dân lần đầu có thể không tin nhưng lần thứ 2, thứ 3 thì cũng phải nghi ngờ. Công nghệ phát tán, chia sẻ tin giả đan xen trên nền tảng các mạng xã hội nhanh tới mức người ta không còn phân biệt được đâu là tin gốc, đâu là tin dẫn lại. Tin giả gây hiểu nhầm về các vấn đề về sắc tộc, tôn giáo, vùng miền có thể làm gia tăng căng thẳng, thậm chí tạo ra bạo lực, bất ổn an ninh - xã hội.
Tin giả góp phần làm suy giảm niềm tin vào báo chí truyền thống, gia tăng sự hoài nghi đối với các nền tảng truyền thông xã hội. Những công cụ công nghệ mới với đặc tính của truyền thông xã hội và các nền tảng nhắn tin đã hạn chế các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng với tin tức, khiến cho việc giả mạo và bắt chước các thương hiệu tin tức chính thống trở nên dễ dàng. Đối tượng tung tin giả có thể lan truyền một tin giả dưới dạng bài viết hoặc video clip bằng cách chỉnh sửa, lồng ghép hình ảnh một cá nhân vào bối cảnh có thực, biến sản phẩm này thành một tin có vẻ là thực và phát tán chúng trên các nền tảng truyền thông xã hội. Hậu quả của tất cả những điều này là tin giả, thông tin sai sự thật được thổi bùng bởi kỹ thuật số có nguy cơ làm lu mờ vai trò của báo chí chính thống.
Hướng dẫn nhận biết tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng
Với vô số những luồng thông tin được tiếp cận hàng ngày trên không gian mạng, công chúng dễ bị rơi vào tình trạng “rối loạn thông tin”, do đó, mỗi người cần tự trang bị cho bản thân khả năng chọn lọc thông tin để xác định đâu là tin xác thực, khách quan cần được tích cực lan truyền; đâu là tin giả, tin sai sự thật cần được đính chính, loại bỏ.
Thứ nhất, Xem xét nguồn tin, kiểm tra tác giả
Cần cảnh giác với thông tin đến từ website không rõ nguồn gốc, không xác thực hoặc từ tài khoản/kênh nội dung/nhóm không theo dõi thường xuyên, ít tương tác hoặc ít bạn bè chung.
Đối chiếu với báo chí chính thống để kiểm chứng tin nguồn: Để nhận được những thông tin chính xác, cần tham khảo thêm tin tức trên truyền hình hoặc từ những trang báo uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và có thương hiệu hoặc từ các cổng/trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan nhà nước.
Thứ hai, Kiểm tra thông tin, hình ảnh minh họa và đường dẫn liên kết
Tin giả còn có thể xuất hiện dưới dạng hình ảnh hoặc bằng cách gắn đường liên kết sai, không liên quan tới nội dung bài viết. Nhiều đối tượng thường tìm cách lồng ghép, chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung bài viết. Do đó, cần kiểm tra xem hình ảnh có tồn tại trên không gian mạng không, đường dẫn liên kết có đúng với nội dung bài viết đăng tải không cũng như đường dẫn liên kết tới trang có nguồn gốc rõ ràng, uy tín hay không.
Thứ ba, Kiểm tra thời gian
Những bài viết đăng tải tin giả, tin sai sự thật thường được biên soạn và định dạng mốc thời gian không trùng với thực tế, do đó, cần xem kỹ các mốc thời gian, sự kiện có trong nội dung tin và thời gian đăng tải. Người dùng cần cảnh giác với những tin tức cũ, được đăng lại vì chưa chắc nội dung này có liên quan tới sự việc hiện tại.
Thứ tư, Đọc toàn bộ nội dung, tìm những điểm nghi ngờ, mâu thuẫn
Tin giả đa phần được xây dựng dựa trên một sự kiện, câu chuyện, tình tiết có thực nhưng được làm giả ở những nội dung mấu chốt và có tiêu đề “giật gân”, viết in hoa kèm dấu ký tự mang tính chất khẳng định nhằm hấp dẫn, thu hút sự chú ý của người đọc. Ngoài ra, cần đọc kỹ nội dung xem thông tin đó là tin tức thật, hay chỉ là câu chuyện phiếm, trò đùa của người đăng. Giới hạn phân định giữa tin giả, thông tin bịa đặt và lời nói đùa, câu chuyện chế hài ước mang tính giải trí là rất mơ hồ, nên cần tìm hiểu, xem xét nguồn tin, kiểm tra tác giả, liệu có phải là tài khoản, trang thường xuyên đăng thông tin chưa kiểm chứng không. Những thông tin trong bài viết có nêu rõ tên nhân vật, địa phương, thời gian cụ thể,… không. Với những tin chung chung, không rõ tên nhân vật, địa danh… cụ thể, người đọc cần thận trọng khi tiếp nhận.
Người dùng mạng xã hội nên tìm đến những nguồn tin chính thống, đồng thời tự mình kiểm chứng trước khi bấm chia sẻ bất cứ thứ gì trên mạng xã hội, tránh trở thành nạn nhân của bẫy tin giả.
Thứ năm, Đối chiếu với thông tin trên báo chí chính thống hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc các cơ quan chức năng
Khi nhận thấy nguồn tin không đáng tin cậy, có thể tham khảo các tin, bài có nội dung tương tự trên các trang chính thống, uy tín để đối chiếu. Nếu thông tin khó kiểm chứng, có thể hỏi ý kiến của các chuyên gia liên quan đến lĩnh vực đó hoặc những người có kinh nghiệm trong việc xác thực tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Trường hợp phát hiện thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.
Đặc biệt, học sinh/người dùng mạng xã hội cần lưu ý khi lựa chọn thông tin đăng tải. Trước khi tương tác, bình luận, chia sẻ thông tin nào đó, cần cân nhắc xem thông tin đó có hữu ích cho bạn bè, cộng đồng hay không, chỉ nên chia sẻ những thông tin xác thực, chính thống, để bạn bè, người thân được tiếp cận với những thông tin hữu ích, chính xác không nên chia sẻ những thông tin tiêu cực, nhất là thông tin gây hoang mang, bất an, chưa được xác thực khiến cho người đọc bị tác động xấu đến tâm lý, suy nghĩ.
Trách nhiệm của người sử dụng Internet, mạng xã hội
Một là, Tuân thủ các quy định của pháp luật: Hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, phát tán trên môi trường mạng; không cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân; không được phát tán thư rác, phần mềm độc hại, thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo; không cung cấp, lưu trữ, phát tán, sử dụng thông tin vi phạm điều cấm tại Luật An ninh mạng năm 2018; Luật Công nghệ thông tin năm 2017; Luật An toàn thông tin mạng năm 2015; các nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Hai là, Tôn trọng và thực hiện các quy tắc ứng xử trên không gian mạng do cơ quan có thẩm quyền ban hành với mục đích nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội cho người dân khi sử dụng các dịch vụ mạng xã hội; tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội; Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy. Ngoài ra, trong trường hợp sử dụng các nền tảng mạng xã hội trong nước hoặc xuyên biên giới, người dùng còn cần tuân theo các tiêu chuẩn cộng đồng riêng của từng mạng xã hội.
Ba là, Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt. Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mĩ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Trách nhiệm của các nhà trường: Gắn các quy định sử dụng mạng xã hội vào các chương trình giáo dục kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm, các cuộc thi, các phong trào có liên quan đến kiến thức về văn hóa ứng xử đối với học sinh; thành lập Câu lạc bộ lý luận trẻ; xây dựng các phiên tòa giả định; giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của học sinh, sinh viên khi sử dụng mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh./.
Lưu Hải An - CVP, Sở GDĐT