Thông báo

logo

Những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh hiện nay; một số giải pháp trong thời gian tới

Sau 5 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, bên cạnh những thuận lợi, ngành Giáo dục Bắc Giang còn gặp không ít khó khăn như về đội ngũ, về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Song, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, sự ủng hộ và đồng thuận của nhân dân, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý toàn Ngành, sự nghiệp giáo dục của tỉnh tiếp tục được duy trì và phát triển ngày càng vững chắc. Những định hướng chiến lược phát triển GD&ĐT Bắc Giang vừa bám sát theo mục tiêu của Nghị quyết số 29-NQ/TW, vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đã tháo gỡ được rất nhiều khó khăn, bất cập.

Những nút thắt của giáo dục Bắc Giang như: tình trạng quá tải ở bậc mầm non, đặc biệt là các khu công nghiệp, khu chế xuất; việc thu chi không đúng quy định trong các cơ sở giáo dục; môi trường ngoại ngữ và chất lượng dạy học tiếng Anh; việc quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống mạng lưới trường/lớp nhằm tinh giảm đầu mối và nâng cao hiệu quả hoạt động đã được các cấp, các ngành tích cực tháo gỡ tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục Bắc Giang ổn định và phát triển theo hướng thực chất và bền vững. Nhiều lĩnh vực giáo dục, Bắc Giang được đánh giá trong tốp dẫn đầu cả nước, như phổ cập giáo dục các cấp học (hiện 10/10 huyện, thành phố đạt phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non trẻ 5 tuổi, PCGD tiểu học mức độ 3, PCGD THCS mức độ 2 (riêng thành phố Bắc Giang đạt PCGD THCS mức độ 3). Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp đạt cao (88,5%), tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 85,6% (tăng 12,2% so với năm 2014). Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi luôn được quan tâm, đầu tư; chất lượng tiếp tục được nâng lên, từng bước cập được với yêu cầu của kỳ thi khu vực và quốc tế. Năm 2018 có 01 HS đạt Huy chương Vàng Olympic Vật lý Châu Á và Huy chương Bạc Olympic Vật lý quốc tế. Năm 2019, tiếp tục có 01 HS đạt Huy chương Bạc Olympic Vật lý Châu Á và được dự thi Olympic quốc tế. Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục phát triển, khẳng định vị thế của giáo dục Bắc Giang trên toàn quốc, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Trên hành trình thực hiện đổi mới GD&ĐT có rất nhiều vấn đề đặt ra đối với giáo dục Bắc Giang hiện nay, như tình trạng dạy thêm học thêm không đúng quy định chưa được giải quyết triệt để; còn hiện tượng thừa thiếu cục bộ giáo viên ở một số địa phương; cơ sở vật chất, các công trình vệ sinh một số địa phương, trường học còn chưa đảm bảo,… Song, trước mắt, vấn đề cấp bách đặt ra với giáo dục Bắc Giang hiện nay đó là chuẩn bị các điều kiện để thực hiện đổi mới, chương trình giáo dục phổ thông theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

  • Lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông bắt đầu từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2, lớp 6; từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11; và đến năm học 2024-2025 thực hiện cuốn chiếu ở tất cả 3 cấp học và các khối lớp (từ lớp 1 đến 12).
  • Chương trình giáo dục phổ thông gồm 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12) với 3 loại hệ thống môn học và hoạt động giáo dục: (1) Môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc; (2) Môn học tự chọn; (3) Môn học lựa chọn (theo định hướng nghề nghiệp).
  • Có một số môn học mới hoặc bố cục lại để mang tên mới là: Tin học và Công nghệ (tiểu học); Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên (THCS); Giáo dục kinh tế và pháp luật, Âm nhạc, Mỹ thuật (THPT). Đặc biệt, môn Tin học sẽ là môn học bắt buộc từ lớp 3; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục địa phương là bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12.
  • Theo chương trình mới, 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.
  • Về cơ sở vật chất, yêu cầu phải đầu tư đảm bảo đủ 01 phòng học/01 lớp; đủ thiết bị dạy học tối thiểu của các khối lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT.
  • Chương trình giáo dục địa phương: các địa phương phải thành lập ban soạn thảo, xây dựng bộ tài liệu giáo dục địa phương từng cấp học, đề nghị Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt, in ấn và thực hiện.

Như vậy, chương trình giáo dục phổ thông đòi hỏi các địa phương phải chuẩn bị tốt các điều kiện để đảm bảo việc thực hiện chương trình, cụ thể là về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, trong khi chỉ còn khoảng 12 tháng nữa là bắt đầu thực hiện.

Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT, ngành Giáo dục Bắc Giang đã sớm chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thứ nhất, xây dựng kế hoạch tổng thể: Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 23/5/2019 thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, trong đó xác định lộ trình, những nội dung cần triển khai, phân công trách nhiệm từng ngành, địa phương, trong đó ngành Giáo dục chủ trì; yêu cầu UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện của địa phương (trước 30/7/2019). Hiện đã có huyện Việt Yên, Hiệp Hòa ban hành kế hoạch thực hiện trên địa bàn huyện.

Thứ hai, chuẩn bị về đội ngũ:

  • Về sắp xếp đội ngũ: Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ và UBND các huyện, thành phố rà soát, sắp xếp, bố trí giáo viên hiện có phù hợp, đảm bảo cân đối về cơ cấu và đồng đều trên địa bàn tỉnh, từng bước khắc phục tình trạng mất cân đối cơ cấu, thừa, thiếu cục bộ giữa các đơn vị trên cùng một địa bàn.
  • Về tuyển dụng bổ sung đội ngũ: Từ năm học 2017-2018 số học sinh tiểu học tăng nhanh (mỗi năm số học sinh tiểu học tăng khoảng 10.000). Vì vậy, dù hằng năm tỉnh vẫn tuyển bổ sung giáo viên thay thế số giáo viên nghỉ hưu, nhưng tỷ lệ giáo viên/lớp vẫn giảm. Cụ thể, năm học 2015-2016, tỷ lệ giáo viên/lớp tiểu học là 1,44; số học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày là 82%; nhưng đến năm học 2018-2019, tỷ lệ giáo viên/lớp tiểu học chỉ là 1,40; số học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày là 67%.

Để đảm bảo 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục phổ thông mới, cần tiếp tục tuyển dụng bổ sung giáo viên tiểu học hàng năm. Trước hết năm 2019 tuyển mới 510 giáo viên tiểu học, nâng tỷ lệ giáo viên/lớp cấp tiểu học năm học 2019-2020 sẽ đạt 1,43. Phấn đấu tuyển dụng bổ sung giáo viên đủ để thực hiện chương trình mới (có tính đến nhu cầu giáo viên cho các môn học mới, quy mô tăng lớp, thay thế số giáo viên nghỉ hưu) bảo đảm: Tiểu học 1,5 giáo viên/lớp; THCS 1,9 giáo viên/lớp; THPT 2,25 giáo viên/lớp.

  • Về bồi dưỡng đội ngũ: bên cạnh việc bồi dưỡng thường xuyên theo kế hoạch hàng năm, Sở GD&ĐT sẽ xây dựng kế hoạch bổi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình mới theo lộ trình của Bộ GD&ĐT. Lựa chọn đội ngũ giáo viên cốt cán các môn học làm nòng cốt để tham gia bồi dưỡng theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT từ hè năm 2019 và sau đó tập huấn, bồi dưỡng đại trà cho giáo viên tại địa phương, đảm bảo 100% giáo viên được phân công dạy chương trình mới được bồi dưỡng.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để đảm nhiệm giảng dạy các môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thứ ba, chuẩn bị về cơ sở vật chất: Đây là điều kiện rất quan trọng để thực hiện chương trình, đòi hỏi các cấp các ngành, địa phương cùng quan tâm đầu tư. So với yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của tỉnh hiện còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu: còn thiếu các phòng học: Tỷ lệ phòng học/lớp bình quân ở bậc mầm non đạt 0,97; ở tiểu học đạt 0,96; ở THCS đạt 0,97; ở cấp THPT đạt 0,92. Một số huyện có tỷ lệ thấp như Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang, Tân Yên... Một số trường vẫn còn các phòng học nhờ, phòng học tạm; nhiều trường còn thiếu các phòng chức năng, phòng bộ môn và phòng thí nghiệm…; thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi còn thiếu nhiều so với nhu cầu.

Để đạt mục tiêu cơ sở vật chất theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện bảo quản, sử dụng có hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; hướng dẫn các đơn vị rà soát hiện trạng, xây dựng kế hoạch cơ sở vật chất, tính toán quy mô trường lớp, học sinh đến năm 2025. Trên cơ sở đề xuất của UBND các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc, Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 155/KH-UBND ngày 04/7/2019 thực hiện đề án Đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025. Theo đó, toàn tỉnh sẽ đầu tư xây dựng 3.403 phòng học để các trường mầm non, phổ thông bảo đảm đủ 01 phòng học/01 lớp; xóa toàn bộ phòng học tạm, phòng học xuống cấp và phòng học nhờ; xây dựng mới 1.652 phòng chức năng để đảm bảo đủ theo quy định của điều lệ từng cấp học. Mua sắm đủ thiết bị dạy học tối thiểu của các khối lớp theo đúng lộ trình của Chương trình giáo dục phổ thông; thiết bị, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời trong các trường mầm non (gồm 10.956 bộ thiết bị dạy học tối thiểu, 490 bộ đồ chơi ngoài trời). Tổng nguồn kinh phí (dự kiến) khoảng 3.517,88 tỷ đồng, trong đó xây dựng cơ sở vật chất là 3.021,71 tỷ đồng; mua sắm thiết bị, đồ chơi là 496,17 tỷ đồng.

Thứ tư, chuẩn bị biên soạn nội dung giáo dục địa phương: Đây là nội dung do địa phương xây dựng. Trong quý 4 năm 2019, Sở GD&ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương. Chậm nhất quý 2 năm 2020 sẽ tham mưu UBND tỉnh trình Bộ GD&ĐT phê duyệt; phối hợp xuất bản để thống nhất sử dụng trong các trường phổ thông trên toàn tỉnh, đảm bảo theo lộ trình kế hoạch.

Nói tóm lại, việc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT trên địa bàn tỉnh đã và đang đặt ra đối với ngành Giáo dục rất nhiều vấn đề với không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự vào cuộc, ủng hộ của nhiều ngành, các địa phương và nhân dân. Tuy nhiên, ngành Giáo dục quyết tâm thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Nghị quyết số 29-NQ/TW tiếp tục khẳng định: GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho giáo dục được xác định là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Đối với Bắc Giang, trong những năm qua, sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh luôn được các đồng chí Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo sâu sát, được các sở, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân ủng hộ. Những bất cập của giáo dục Bắc Giang đã và đang dần được tháo gỡ; các điều kiện đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục đang được đầu tư; các chế độ, chính sách phát triển giáo dục ngày càng được quan tâm với định hướng: phát triển giáo dục thì không thể lạc hậu về chính sách. Ngành Giáo dục đã và đang quyết tâm, nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thực hiện nhiều giải pháp để duy trì, giữ vững và phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tai, hạn chế, yếu kém, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT trên địa bàn tỉnh, đáp ứng kỳ vọng của các đồng chí Lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh