Thông báo

logo

TUYÊN TRUYỀN PHÒNG, CHỐNG BỆNH LÂY TRUYỀN QUA ĐƯỜNG HÔ HẤP

TUYÊN TRUYỀN PHÒNG, CHỐNG BỆNH LÂY TRUYỀN QUA ĐƯỜNG HÔ HẤP

Thực hiện công văn số 91/SGDĐT-GDMN ngày 14/01/2025 của Sở GD & ĐT Bắc Giang về việc phòng, chống dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp trong các cơ sở giáo dục, bộ phận y tế Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Bắc Giang thông tin đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường một số kiến thức về một số bệnh truyền nhiễm thường gặp vào mùa Đông – Xuân và cách phòng tránh.

Cuối mùa đông đầu mùa xuân là thời điểm thường xảy ra nhiều dịch bệnh truyền nhiễm do nhiệt độ lạnh, mưa nhiều kèm theo thời tiết nồm ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển gây bệnh đồng thời đây cũng là khoảng thời gian diễn ra nhiều lễ tết, mọi người gia tăng tập trung, đi lại gây ra tình trạng bùng phát các dịch bệnh đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp.

Một số bệnh thường gặp

Viêm mũi họng cấp

Người bệnh có các biểu hiện của viêm đường hô hấp trên cấp tính như chảy mũi, ho, đau rát họng, có thể kèm sốt, đau đầu…mà dân gian hay gọi là cảm lạnh. Phần lớn tác nhân gây bệnh là do virus (hay gặp virus cúm, Adenovirus…), ngoài ra có thể do vi khuẩn, do dị ứng, kích ứng đường hô hấp với khói bụi hoặc hóa chất. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ có chứa virus, vi khuẩn khi nói chuyện, ho, hắt hơi.

Thông thường, viêm mũi họng cấp do virus có thể tiến triển tốt lên sau 3 ngày mà không điều trị gì nếu sức đề kháng tốt. Tuy nhiên nếu triệu chứng kéo dài hoặc có dấu hiệu bội nhiễm (sốt tăng lên, có sự thay đổi màu sắc dịch mũi, ho đờm…) có thể chuyển sang viêm mũi xoang cấp mủ, viêm Amidan cấp, viêm tai giữa cấp, viêm phế quản cấp… thì người bệnh nên đi khám để được Bác sĩ tư vấn hướng điều trị cụ thể.

Viêm mũi dị ứng

Là tình trạng phản ứng của niêm mạc mũi với các tác nhân gây dị ứng. Vào mùa Đông - Xuân, bệnh xảy ra chủ yếu tác do phấn hoa phát tán nhiều trong không khí, gây nên những biểu hiện ngạt mũi liên tục, chảy mũi dịch trong loãng, ngứa mũi, hắt hơi thành tràng dài, có thể kèm theo ngứa mắt – chảy nước mắt. Có trường hợp ngạt mũi kéo dài khiến người bệnh phải thở qua miệng, kéo theo khô họng, ho khan, ảnh hưởng đến sinh hoạt.

Người bệnh viêm mũi dị ứng cần tránh đến những nơi trồng nhiều hoa, ra ngoài lúc sáng sớm, nếu có thì phải đeo khẩu trang.

Thủy đậu, Sởi, Rubella

Thủy đậu là bệnh do virus Varicella Zoster, bệnh Sởi do virus sởi (Polynosa morbillorum), bệnh Rubella (hay còn gọi là sởi Đức do virus Rubella) lây qua đường hô hấp khi hít phải những giọt nước từ dịch mũi hoặc ho của người bệnh.

Sau thời gian ủ bệnh, bệnh biểu hiện với các triệu chứng viêm đường hô hấp trên (chảy mũi, ho, đau họng, sốt…) kèm theo mệt mỏi, đau đầu, hạch cổ sưng đau, ngoài da xuất hiện các nốt tròn nhỏ, ngứa, tiến triển thành mụn nước, bọng nước hoặc nổi ban đỏ. Các nốt, ban này sẽ mọc từ vùng đầu mặt cổ rồi rải rác toàn thân. Bệnh thường lành tính và có thể khỏi sau 5-10 ngày, nhưng nếu không được theo dõi sát có thể gây nhiễm trùng để lại sẹo ngoài da và các biến chứng nguy hiểm về thần kinh, tim mạch, thị giác…

Cúm mùa

Cúm mùa là một bệnh có tỷ lệ người mắc rất cao, dễ gặp nhất vào mùa đông – xuân và lúc thời tiết ẩm. Tiêu biểu trong đó có thể kể đến: Cúm A, Cúm B, Cúm A/H1N1 (ít gặp hơn),.. Cúm có thể lây qua đường hô hấp khi giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng của người bệnh bắn ra bên ngoài không khí do hắt hơi, ho, xì mũi,…

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Cách phòng tránh

 phòng tránh dịch bệnh mùa đông xuân, mọi người cần chú ý thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh bằng một số biện pháp như sau:

- Tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh theo đúng lịch, đặc biệt với trẻ em.

- Giữ vệ sinh môi trường sinh hoạt thông thoáng, sạch sẽ; khi ra ngoài nên đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp;

- Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, vệ sinh thân thể cho trẻ, hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng đúng cách.

- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh, đặc biệt với trẻ em khi ra ngoài, nhất là các vị trí quan trọng như đầu, cổ, ngực, bàn chân, bàn tay; chú ý không nên mặc quá nhiều áo cho trẻ vì có thể làm trẻ bị toát mồ hôi và ngấm ngược lại vào cơ thể làm cho trẻ bị cảm lạnh, sốt cao.

- Bảo đảm an toàn thực phẩm, chế độ dinh dưỡng đầy đủ: cho trẻ ăn uống đủ chất, nhiều hoa quả để tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng.

- Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh đến các cơ sở y tế để được được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, tránh tự ý điều trị tại nhà khiến bệnh nặng hơn.