Nhằm nâng cao nhận thức và khả năng thích ứng với dịch COVID-19 của toàn ngành Giáo dục, bảo đảm các hoạt động giáo dục không bị gián đoạn, “đứt gãy”; bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho học sinh, giáo viên khi tổ chức hoạt động giáo dục trực tiếp tại các cơ sở giáo dục; hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm học 2021-2022 và các năm học tiếp theo bảo đảm chất lượng, công bằng trong tiếp cận giáo dục cho tất cả đối tượng học sinh, ngày 08/4/2022, Ngành Giáo dục Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch thích ứng với tình hình dịch COVID-19, bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng trong các cơ sở giáo dục.
Kế hoạch cũng đề ra mục tiêu xây dựng và phát triển nền tảng dạy học trực tuyến, hệ thống học liệu số, bài giảng số có chất lượng để dùng chung phù hợp với đổi mới nội dung, phương pháp dạy học; bảo đảm các điều kiện tổ chức dạy học thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch COVID-19 có thể kéo dài, diễn biến phức tạp. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho trẻ em, học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Để đạt được mục tiêu, Kế hoạch đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp bao gồm:
Một là, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tổ chức dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19 và tạo sự đồng thuận trong phụ huynh, người chăm sóc trẻ trong việc tổ chức dạy học trực tiếp bảo đảm an toàn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn có thể kéo dài.
Hai là, chủ động, linh hoạt các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, bảo đảm thích ứng an toàn, chất lượng với dịch COVID-19 trong đó tập trung củng cố, duy trì các phương án tổ chức dạy học, chăm sóc trẻ thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19; ưu tiên dạy học trực tiếp với các khối lớp cuối cấp, nội dung thực hành, thí nghiệm. Áp dụng linh hoạt các phương thức thi, kiểm tra, đánh giá học sinh, nhất là các kỳ thi chuyển cấp theo yêu cầu cần đạt của chương trình và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học thích ứng với tình hình dịch bệnh, bảo đảm quyền lợi cho học sinh.
Ba là, bảo đảm an toàn khi tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Cập nhật thường xuyên kết quả đánh giá cấp độ dịch tại địa phương để triển khai thực hiện, sẵn sàng chuyển đổi hình thức dạy học phù hợp; chủ động xử lý khi có trường hợp F0 trong trường học, tránh xử lý cực đoan, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong lớp, trường học.
Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục để tổ chức linh hoạt, hiệu quả các hình thức dạy học. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, phương tiện về công nghệ để đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học trực tuyến.
Năm là, hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho trẻ em, học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đây là việc các cơ sở giáo dục cần đặc biệt quan tâm vì việc học trực tuyến kéo dài cùng nhiều xáo trộn, khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội khiến nhiều học sinh rơi vào trạng thái âu lo, buồn chán. Nếu không được lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ kịp thời, không ít bạn trẻ rơi vào trạng thái rối loạn tâm lý học đường, là nguy cơ tiềm ẩn nhiều hệ lụy.
Sáu là, tăng cường nguồn lực để tổ chức hiệu quả hoạt động dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19. Tích cực, duy trì triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em” để đảm bảo mọi học sinh có hoàn cảnh khó khăn đều có thiết bị để học tập.
Nội dung chi tiết Kế hoạch xem TẠI ĐÂY!