Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”. Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục toàn diện học viên trong trung tâm, Ban Giám đốc trung tâm luôn đề cao vai trò của người giáo viên làm chủ nhiệm lớp. Vì song song với việc dạy học kiến thức văn hoá theo hướng hiện đại, tăng cường tính chủ động sáng tạo và phát huy tính tích cực của học viên thì việc đổi mới giáo dục nhân cách, “dạy các em cách làm người” thực sự là mục tiêu quan trọng để tạo ra sự phát triển toàn diện ở người học. Chính vì vậy sáng ngày 09 tháng 09 năm 2023 Trung tâm đã tổ chức Hội nghị Công tác chủ nhiệm năm học 2023-2024 với chủ đề “Nâng cao ý thức cho học sinh là nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”. Thành phần tham gia Hội nghị bao gồm Ban giám đốc Trung tâm, các thầy cô trực tiếp làm công tác chủ nhiệm năm học này để cùng nhau đưa ra những giải pháp khoa học, nhân văn nhằm giáo dục phẩm chất, đạo đức lối sống cho học viên trong toàn trung tâm.
Tại Hội nghị, các thầy cô giáo làm công tác chủ nhiệm đã trình bày những bản tham luận rất tâm huyết của mình nhằm đưa ra những giải pháp tối ưu để nâng cao hiệu quả giáo dục phẩm chất đạo đức cho học viên trong trung tâm. Tiêu biểu là các bản tham luận của các thầy cô như:
Nội dung tham luận |
Người thực hiện |
Vai trò của GVCN trong việc giáo dục ý thức cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục |
Cô giáo Từ Thị Thảo |
Xây dựng ý thức trách nhiệm, sự đoàn kết trong tập thể lớp giúp tập thể lớp tiến bộ. |
Cô giáo Lưu Thị Lượng |
Giải pháp giúp duy trì sĩ số và nâng cao hiệu quả giáo dục |
Cô giáo Lê Thị Hải Yến |
Mỗi GVCN phải quản lý một lớp trên 40 học viên trong một năm học. Do đó, năng lực quản lý, lãnh đạo của giáo viên chủ nhiệm (GVCN) là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định đến sự thành công của một lớp học. GVCN phải có đủ hiểu biết và các kỹ năng để điều tra khảo sát, xây dựng kế hoạch lớp chủ nhiệm, tổ chức thực hiện kế hoạch, kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục đến từng học viên. Ngoài việc thực hiện các chỉ đạo của Giám đốc trung tâm, của ngành giáo dục thì GVCN cần phải biết xây dựng các hoạt động độc lập riêng, mang tính đặc thù của lớp mình. GVCN cũng cần phải có tầm nhìn, phát hiện và giải quyết sớm các vấn đề nảy sinh ở lớp mình chủ nhiệm. Khi triển khai một hoạt động giáo dục mới cần phải có kỹ năng “truyền lửa” làm cho mỗi học viên tích cực, nhiệt huyết tham gia các hoạt động đó. Người giáo viên chủ nhiệm cũng phải là người “Cầm cân, nẩy mực” để sử lý mọi tình huống xảy ra trong lớp. Vì thế rất cần giáo viên chủ nhiệm phải công tâm, nhiệt tình, trách nhiệm, tâm lí yêu thương học sinh và xây dựng một ban cán sự lớp tự quản có uy tín, có trách nhiệm, có năng lực, bản lĩnh.
Đầu năm khi nhận lớp việc đầu tiên GVCN cần làm là phải nắm bắt được thông tin cá nhân từng em, cho các em viết lí lịch trích ngang, biết được vị trí nhà ở của các em, gần gũi thấu hiểu và nắm chắc hoàn cảnh của từng học sinh trong lớp về những thuận lợi và khó khăn đặc biệt quan tâm đến học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Những trường hợp này, GVCN luôn gần gũi trò chuyện tiếp xúc với các em nhiều hơn, tạo cho các em sự thân thiết, tin tưởng để có thể dễ dàng bộc lộ tâm tư tình cảm, điều mong muốn của chính mình khi cần thiết. Qua đó GVCN sẽ hiểu các em hơn và kịp thời ngăn chặn những suy nghĩ nông cạn, sai lầm hay các hành vi không hay… hướng các em nhận thức được giá trị bản thân, nâng cao lòng tự trọng và biết cố gắng để vượt qua những khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Bằng sự nhân ái, bao dung vị tha, yêu thương các em bằng tấm lòng chân thành, cởi mở, tạo cho các em niềm vui khi đến trường. Cần giáo dục người học biết quan tâm đến người khác bằng những việc làm cụ thể như: Tham gia các phong trào từ thiện, nhân đạo, kế hoạch nhỏ, giúp đỡ các bạn khó khăn trong lớp … Việc làm này tuy nhỏ nhưng có tác dụng làm cho các em tự động viên nhắc nhở nhau trong học tập và tinh thần đoàn kết tương thân tương ái.
Người GVCN phải thực sự mẫu mực, phải là tấm gương sáng toàn vẹn từ nhận thức đến hành động thực tiễn, từ lời nói cử chỉ điệu bộ đến thái độ ứng xử hằng ngày đây là cách giáo dục dùng nhân cách tác động đến nhân cách. Các em đang ở độ tuổi trưởng thành, có rất nhiều cái “khó bảo” rất dễ tự ái, dễ chán nản trước những khó khăn trong cuộc sống thậm chí hành động theo cảm xúc nhất thời. Vì vậy người GVCN cần gần gũi, quan tâm, góp ý đúng và kịp thời, xử phạt nghiêm minh sẽ làm cho các em biết phân biệt phải/trái, tốt/xấu từ đó dần hoàn thiện nhân cách.
Công tác phối kết hợp trong công tác chủ nhiệm lớp rất quan trọng, GVCN có thể trao đổi với giáo viên bộ môn để nắm bắt thêm về tinh thần, thái độ học tập, ý thức tổ chức kỷ luật, học lực…của từng em trong lớp. Từ đó tạo điều kiện cho giáo viên chủ nhiệm có sự nhìn nhận và đánh giá khách quan về chất lượng học tập của mỗi em, đồng thời có biện pháp động viên, nhắc nhở, giáo dục phù hợp giúp các em học tập và rèn luyện nhân cách đạo đức tốt hơn. Việc phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học viên để biết được các thói quen, sở thích thái độ của các em thường biểu hiện ở gia đình. Qua đó cũng thông báo giúp cha mẹ các em biết được tình hình của con em mình ở trường. Mối quan hệ có tác động hai chiều này nhằm hạn chế bớt mặc cảm, tự ti ở các em giảm bớt tâm lí lo sợ khi tiếp xúc với GVCN.
Với mục tiêu sau khi hoàn thành khóa học tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Dũng, học viên thi đỗ tốt nghiệp sẽ có trong tay một tấm bằng tốt nghiệp THPT, một bằng Trung cấp nghề và hơn hết là một thành viên trong thế hệ trẻ của đất nước có phẩm chất đạo đức tốt, có định hướng nghề nghiệp rõ ràng trong tương lai… Đó là một công dân vừa hồng vừa chuyên và GVCN lớp sẽ là một nhân tố vô cùng quan trọng góp phần vào sự nghiệp giáo dục toàn diện này.