06 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà các ngành, địa phương cần tập trung thực để triển khai thực hiện tốt các nhiệm trọng tâm lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong năm 2022

Đó là một trong các nội dung Kết luận của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn tại Hội nghị kiểm điểm thực hiện một số kế hoạch, đề án của UBND tỉnh đến năm 2025 và kế hoạch triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 về lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chiều 21/02/2022 tại Sở GD&ĐT với 10 huyện, thành phố. Hội nghị là dịp để UBND tỉnh kiểm điểm, đánh giá những kết quả đạt được, khó khăn vướng mắc và bàn các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn thời gian tới.

Ngoài Văn phòng UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, cùng dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Sở Y tế, Tài chính, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư.

Thay mặt ngành Giáo dục, đồng chí Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT đã báo cáo kiểm điểm thực hiện một số kế hoạch, đề án của UBND tỉnh Bắc Giang đến năm 2025 lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo; một số nhiệm vụ trọng tâm cần chỉ đạo, thực hiện trong năm 2022. Đồng chí đã thay mặt ngành Giáo dục, trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chăm lo tới sự nghiệp Giáo dục của Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng như sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp. Tập thể lãnh đạo Sở GD&ĐT đã xem xét, đánh giá toàn diện các văn bản, kế hoạch, đề án thuộc lĩnh vực Giáo dục, trong đó trọng tâm là 29 kế hoạch, đề án mà ngành Giáo dục nói riêng, toàn tỉnh cần tập trung thực hiện trong năm 2022 cũng như giai đoạn tiếp theo.

Trong khuôn khổ thời gian Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Sở, đồng chí Giám đốc Sở GD&ĐT đã báo cáo vắn tắt 09 kế hoạch phát triển Giáo dục của tỉnh, tập trung ở các kế hoạch liên quan phát triển giáo dục mầm non; phát triển trường THCS trọng điểm chất lượng cao;, nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh trong các cơ sở giáo giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông (GDPT); đẩy mạnh dạy tin học và ứng dụng công nghệ thông tin trong trường phổ thông; thực hiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong GDPT; Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình GDPT 2018; thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS; đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện chương trình GDMN và GDPT; xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thay mặt ngành Giáo dục, đồng chí đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy, đảng, chính quyền địa phương vào cuộc để chung tay tháo gỡ.

Đồng chí Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT trình bày báo cáo tại Hội nghị

Theo đó, thời gian tới, ngành Giáo dục xác định tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, chủ động, linh hoạt, sáng tạo các hình thức tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục phù hợp với địa phương, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học. Thi HS giỏi quốc gia duy trì trong top 15 toàn quốc. Phấn đấu tiếp tục có HS dự thi vòng 2 (ôn luyện dự thi khu vực).

Thứ hai, triển khai thực hiện Đề án phát triển trung tâm GDNN-GDTX gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phân luồng HS tốt nghiệp THCS, THPT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 theo đúng mục tiêu, lộ trình đề ra. 

Thứ ba, chuẩn bị tốt các điều kiện về đội ngũ, CSVC, thiết bị dạy học để đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT năm học 2022-2023. Hoàn thành biên soạn và xuất bản bộ Tài liệu giáo dục địa phương đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023.

Thứ tư, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục (PCGD) các cấp học và xóa mù chữ, cụ thể: Duy trì 100% các xã, phường, thị trấn đạt xóa mù chữ mức độ 2 (209/209 xã); duy trì 100% các xã, phường, thị trấn đạt PCGDMN cho trẻ 5 tuổi (209/209 xã); duy trì 100% các xã, phường, thị trấn đạt PCGD tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3 (209/209 xã); duy trì 100% các xã, phường, thị trấn đạt PCGD THCS mức độ 2 (209/209 xã); phấn đấu có 209/209 xã, phường, thị trấn đạt PCGD THCS mức độ 3.

Thứ năm, thực hiện tích cực đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT đạt 97,5%

Thứ sáu, tiếp tục đầu tư xây dựng CSVC trường, lớp học; nâng cao chất lượng trường học đạt chuẩn quốc gia đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình GDPT. Cụ thể: Chỉ tiêu tỷ lệ phòng học kiên cố Mầm non 93,9%; chỉ tiêu tỷ lệ phòng học kiên cố Tiểu học 95,5%;  chỉ tiêu tỷ lệ phòng học kiên cố THCS 98,5%; chỉ tiêu tỷ lệ phòng học kiên cố THPT (công lập) 95%;  chỉ tiêu tỷ lệ trường chuẩn quốc gia mức độ 1 toàn tỉnh 95%;  chỉ tiêu tỷ lệ trường chuẩn quốc gia mức độ 2 toàn tỉnh 19,1%.

Chủ trì Hội nghị, đồng chí Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã gợi ý lãnh đạo các ngành, đặc biệt các địa phương căn cứ báo cáo của ngành Giáo dục để xem xét, đánh giá đồng thời đề ra định hướng phấn đấu đạt được các mục tiêu đối với lĩnh vực GD&ĐT của địa phương.

Đồng chí Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị

Tại Hội nghị 10/10 huyện, thành phố căn cứ gợi ý thảo luận của đồng chí Lãnh đạo UBND tỉnh, đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc của địa phương, cũng như gợi mở, đề xuất tỉnh có những chỉ đạo mang tính thống nhất nhằm tháo gỡ. Hầu hết các ý kiến đã tập trung theo gợi mở của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh xoay quanh các vấn đề như thực hiện phân luồng, hướng nghiệp; vấn đề bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong trường học; vấn đề biên chế, đội ngũ của ngành Giáo dục; vấn đề cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp học phấn đấu đạt 100% trong năm 2023; vấn đề thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục; vấn đề thiếu giáo viên ngoại ngữ, tin học...

Đồng chí Nguyễn Văn Long - Uỷ viên BTV Huyện uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lạng Giang phát biểu tại Hội nghị.

Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn đã kết luận Hội nghị tập trung đối với 06 nhóm nội dung lớn mà các ngành cũng như 10 huyện và thành phố cần tập trung thực hiện ngay đó là: Các huyện, thành phố cần tham mưu Thường vụ ban hành Nghị quyết về phát triển Giáo dục trong giai đoạn hiện nay, xác định sự nghiệp giáo dục không phải là sự nghiệp của riêng ngành Giáo dục, đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị tại địa phương; trên cơ sở báo cáo của ngành Giáo dục, các địa phương cần tự rà soát, kiểm điểm để khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế, đề ra giải pháp triển khai, tổ chức thực hiện bám sát mục tiêu, tiến độ mà các kế hoạch, đề án chung của toàn tỉnh đã xác định; đối với nhiệm vụ trọng tâm về phòng chống dịch, ngay lúc này cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, không chủ quan nhưng cũng không hoang mang, cần thường xuyên cập nhật, bổ sung các văn bản, hướng dẫn trong công tác phòng chống dịch của Trung ương, của tỉnh, trong đó đề cao thực hiện 5K, tạm thời hạn chế tổ chức ăn bán trú trong trường học; đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi thống nhất không để thí sinh F0 dự thi, tổ chức cho thí sinh F1 trong điều kiện bảo đảm an toàn, phòng chống dịch; đối với nội dung chuyển đổi số, ngành Giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, không thực hiện đầu tư những gì thuộc phạm vi ngành Giáo dục, căn cứ các nền tảng, hệ thống của Bộ GD&ĐT, của Trung ương để đề xuất phương hướng đầu tư, áp dụng một cách phù hợp, trước mắt tập trung nâng cấp hạ tầng, đường truyền tại các cơ sở giáo dục để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, tận dụng tối đa hệ thống học liệu đã có, tổ chức dạy học trực tuyến có hiệu quả; về kế hoạch phân luồng, hướng nghiệp cần chủ động phối hợp các đại học, các trường có chức năng để chủ động thực hiện mục tiêu đã xác định trong kế hoạch gắn với tăng cường, đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền để người dân đồng thuận, hưởng ứng; đối với nội dung 29 kế hoạch, đề án của tỉnh, đồng chí giao ngành Giáo dục tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện để tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo, tổ chức thực hiện./.