Bộ Công An: 8 bước để người dân chống tội phạm công nghệ cao

(Dân trí) - Đại diện Bộ Công an cho rằng người dân cần chuẩn bị sẵn kiến thức và tâm lý để đối phó tình trạng lừa đảo, mạo danh, chiếm đoạt tài sản đang có diễn biến phức tạp.

Bộ Công An: 8 bước để người dân chống tội phạm công nghệ cao - 1

Ông Phạm Công Hải, Phó Trưởng phòng 5, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Thời gian gần đây, tội phạm công nghệ cao có những diễn biến phức tạp, các hoạt động lừa đảo, xâm hại quyền riêng tư xảy ra với nhiều người dân, nhất là những người dân vùng nông thôn có điều kiện kinh tế khó khăn và người lớn tuổi.

Đây là nhận định của ông Phạm Công Hải, Phó Trưởng phòng 5, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công An, tại cuộc họp báo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ngày 5/10.

Trong đó, những phương thức tội phạm mới nổi lên như lừa đảo dùng công nghệ Deepfake, tổ chức đánh bạc và đánh bạc với số tiền lớn, mua bán thông tin tài khoản ngân hàng trái pháp luật; sử dụng trạm BTS giả để phát tán tin nhắn có nội dung lừa đảo.

Ngoài ra, các hoạt động tín dụng đen, vay tiền nhanh trên các nền tảng di động và qua mạng; đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân... để thiết lập điều hành các trang mạng, đường dây tội phạm, vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), xếp hạng 3 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất hiện nay, đó là: Giả mạo website, lừa đảo chiếm đoạt bằng đường link/file nén và lừa đảo thẻ tín dụng, chiếm đoạt tài sản thông qua mã QR.

Chỉ tính riêng trong tháng 9/2023, hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia cũng đã ngăn chặn triệt để 441 website vi phạm pháp luật, lừa đảo trực tuyến.

Ngoài ra trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng đài 5656/156 đã tiếp nhận hơn 570.000 lượt phản ánh từ người dân. Trong đó, có hơn 104.000 phản ánh về các cuộc gọi, tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo.

Nhiều người dân đã bày tỏ bức xúc khi thường xuyên nhận được tin nhắn, cuộc gọi rác không mong muốn với nội dung vay tiền, giới thiệu sản phẩm, thậm chí còn liên quan đến mại dâm. Thậm chí, một số người còn bị lăng mạ, xúc phạm khi từ chối các yêu cầu của những số điện thoại rác.

Bộ Công An: 8 bước để người dân chống tội phạm công nghệ cao - 2

Cuộc gọi, tin nhắn rác từng là nỗi ám ảnh đối với nhiều người dân (Ảnh: Thế Anh).

Trước thực trạng nêu trên, đại diện Bộ Công An khuyến cáo người dân lưu ý những điểm sau:

1. Người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi bằng điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, đặc biệt là công an, để thông báo, yêu cầu điều tra các vụ án liên quan.

2. Người dân lưu ý thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật quyền riêng tư trên tài khoản mạng xã hội.

3. Người dân không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng cá nhân, cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa xác định rõ nhân thân lai lịch của người đó.

4. Người dân không nhấp vào đường link hoặc tệp đính kèm trong email (thư điện tử), tin nhắn được gửi từ địa chỉ không xác định.

5. Nếu nhận tin nhắn vay, mượn tiền, chuyển tiền từ tài khoản của người thân, tin nhắn qua ứng dụng OTT, người dân cần xác nhận lại thông tin.

6. Người dân cần kiểm tra kỹ thông tin website khi thực hiện các giao dịch trực tuyến. (Website của tổ chức doanh nghiệp sẽ được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và được đánh dấu đăng ký bằng hình ổ khóa bên cạnh tên miền giao thức https).

7. Người dân tuyệt đối không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân, không nhận mở tài khoản, chuyển khoản ngân hàng, hay nhận tiền chuyển khoản của hàng từ người không quen biết.

8. Nếu nghi ngờ gặp phải trường hợp chiếm đoạt tài sản cá nhân, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Theo Báo Dân TRí