NGHỀ GIÁO – NGHỀ ĐỂ YÊU THƯƠNG

Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi

“Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi

Có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương

Có những bài ca nghe rạo rực lòng người

Bài ca ấy loài hoa ấy đẹp như em người giáo viên nhân dân

Tâm hồn em tươi mát xanh như bóng lá bàng

Trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng ví

Như chim bay về khắp miền em lên đường

Tung bay xa nhiều thế hệ cháu Bác Hồ

Tự hào như em người chiến sĩ văn hóa”

          Lời bài hát như đôi lời nhắn nhủ của nhạc sĩ Hoàng Vân gửi tới người thầy, người cô, những người đang miệt mài trong công tác trồng người. Đúng vậy, không phải ngẫu nhiên người ta coi nghề giáo và nghề y là hai nghề cao quý, bởi một nghề cứu người và một nghề trồng người. Âu có chăng nhiều người cả đời chỉ gặp bác sĩ đôi lần, còn với con chữ với tri thức thì không thể làm ngơ. Đó là lí do vì sao tôi yêu nghề giáo và cống hiến cho nghề giáo bao năm qua.

          Đến đây tôi chợt nhớ tới câu ca mà người xưa dặn dò con cháu: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Câu ca ấy là lời nhắc nhở tôi trên sự nghiệp trồng người,  tiếp thêm cho tôi sức mạnh để tạo ra những bông hoa đẹp cho đời. Tôi đến với nghề giáo là một chữ duyên. Ngày ấy khi còn trên ghế nhà trường phổ thông, tôi luôn mơ ước được trở thành một cô giáo để đứng trên bục giảng, để truyền tri thức cho bao lớp thế hệ học sinh. Chính định hướng đó đã tạo thành động lực cho cô gái 18 tuổi ấy bước chân vào cổng trường Sư phạm. Những ngày tháng là sinh viên, tôi vẫn luôn nỗ lực hết mình để biến mơ ước mình thành hiện thực. Ngày ấy, biết bao bạn bè nói với tôi rằng: “ Nghề giáo nghèo lắm ! cả đời chỉ gắn với bụi phấn, bảng đen” hay “ Nghề giáo ra trường khó xin việc, lương thì ba cọc ba đồng”. Thú thực, có lúc tôi đã nản chí chứ không muốn nói là chùn bước bỏ cuộc. Nhưng tình yêu nghề và đam mê với nghề giáo đã giúp tôi vượt qua những ngày tháng khó khăn đấy. Những ngày nắng cũng như những ngày mưa miệt mài trên giảng đường, những bài toán khó, những phương trình khó tìm đáp án rồi cả những cuộc thi hết kì áp lực, mệt mỏi. Chừng ấy thôi đã đủ nhấn chìm những khối óc không kiên định với nghề giáo. Nhưng sau những ngày mưa là những ngày nắng, cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp – thành quả của bốn năm miệt mài, tôi biết tôi đã chiến thắng. Đúng là yêu lắm nghề giáo, yêu lắm những trang giáo án và yêu lắm những học trò nhỏ. Đó mới chính là “tiên dược” giúp tôi thành công và  hoàn thành mơ ước của mình.

          Nhưng học hành trên ghế giảng đường chỉ là lí thuyết sách vở. Giờ đây, khi ra đời, khi va vấp với thực tế khiến tôi bỡ ngỡ. Tôi như đứa trẻ lần đầu tiên bước những bước chân đầu đời bỡ ngỡ, chập chững, điều gì cũng mới lạ, điều gì cũng khó khăn. Có lúc, tôi cảm giác nghề giáo như một cuộc truy tìm kho báu, một kho tàng tri thức đầy bí ẩn mà tôi phải dò dẫm tìm đường đi nước bước. Ngôi trường mang tên Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện Yên Dũng đã giúp tôi cứng cáp hơn. Trung tâm được thành lập từ năm 1997, trải qua bề dày của thời gian, Trung tâm vẫn đứng sừng sững để hoàn thành sứ mệnh trồng người của mình. Ai cũng bảo, học sinh Trung tâm không ngoan, lực học lại yếu sẽ khó quản lí hơn các trường công lập khác. Hơn nữa Trung tâm từ khi thành lập vẫn tồn tại song song hai mảng, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục văn hóa. E rằng, học sinh sẽ không chú trọng tới học văn hóa chứ không muốn nói là bỏ bê, chểnh mảng. Với một giáo viên mới ra trường như tôi lúc đó, tri thức mang theo thì nhiều nhưng kinh nghiệm thì ít ỏi vô cùng. Đứng trước những khó khăn như vậy đôi khi tôi thấy nản lòng vô cùng.

          Thế nhưng, khi trải nghiệm ở môi trường ấy tôi mới thấy rằng sự nản lòng của mình là vô căn cứ, là vội vàng. Về Trung tâm, tôi được phân công giảng dạy môn Toán. Tôi đã mang những tri thức toán học trên ghế giảng đường truyền tải cho các em trên mỗi tiết học. Những hồi hộp, căng thẳng khi đứng trên bục giảng đã trôi qua thay vào đó là sự tự tin vững vàng. Có được điều đó một phần nhiều là sự giúp đỡ của thầy cô đi trước và sự quan tâm của lãnh đạo Trung tâm. Đúng là học sinh trường có hư hơn, có lười học hơn các trường công lập nhưng bù lại các em lại có những sở trường, những tài lẻ riêng. Điều này khiến cho mỗi giờ lên lớp của tôi lại khám phá ra ở các em nhiều điều thú vị. Đôi khi chỉ là một bài hát được cất lên bởi một học sinh cá biệt nhất lớp hay là một bức vẽ đặc sắc bởi một học trò hay trốn học, bỏ giờ. Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò, các em có hư, có nghịch, các em mới cần những thầy cô chỉ đường chỉ lối để các em không lầm lạc, không đi sai đường. Yêu biết bao những lớp học trò như vậy. Đó là lí do mà tôi vẫn tận tụy với nghề giáo khi trải qua bao thăng trầm trong nghề.

          Hơn nữa, trường còn có hai mảng là giáo dục nghề nghiệp và giáo dục văn hóa luôn song hành, tạo điều kiện thuận lợi cho cả cô và trò. Cô thì được trải nghiệm với công tác định hướng nghề nghiệp, định hướng tương lai cho các em. Còn các em được trang bị hành trang đầy đủ cho tương lai của mình. Các học trò nhỏ của tôi được dạy từng đường kim, mũi chỉ tỉ mỉ với nghề may, được tự tay sửa chữa với nghề kĩ thuật máy lạnh hay là vất vả mày mò với nghề hàn... Để rồi, khi rời ghế nhà trường các em mang có hành trang đầy đủ vào đời với hai tấm bằng,  tấm bằng tốt nghiệp THPT và tấm bằng nghề trung cấp. Đó chính là tấm vé thông hành tốt nhất giúp các em vững tin lo cho tương lai của mình. Để mỗi lần trở về trường xưa các em lại tự cảm thấy may mắn vì đã được học và trưởng thành ở ngôi trường mang tên  Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Yên Dũng.

     Quay trở lại những dòng trải nghiệm về nghề giáo của mình, thì tôi cũng phải thú nhận, đôi khi tôi cũng thấy chạnh lòng trước sự nghịch ngợm của học trò, buồn trước những lỗi lầm của học trò hay tự trách mình trước sự sa ngã của học trò. Người ta nói rằng người thầy giống như người chở đò. Mà khi bước lên bờ thì mấy ai còn nhớ tới người lái đò. Chính vì lẽ đó mà đôi lúc chúng tôi – những thầy cô gắn cả đời với những trang giáo án, với phấn trắng bảng đen, thấy buồn trước sự vô tâm của học trò và còn cả người đời.  Kinh tế thị trường phát triển người người chạy theo đồng tiền, chạy theo những lợi ích kinh tế. Thậm trí còn bán mình cho đồng tiền. Nghề giáo cũng vậy, nhiều thầy cô vì chút xao động đã kiếm lợi từ nghề giáo, làm mất đi sự tín nhiệm của người đời với nghề giáo. Đôi khi chúng tôi còn phải hứng những định kiến của người đời. Nhưng không phải ai cũng vậy, bởi còn có những thầy cô tóc đã điểm hoa râm vẫn miệt mài với những trang giáo án, hay những thầy cô tận tụy truyền kiến thức cho đời. Bởi một lẽ: “Không thầy đố mày làm” nên hay còn bởi “Tuổi trẻ bên em là tương lai tổ quốc.” Cho nên hãy nhìn nghề giáo chúng tôi bằng sự công bằng nhất để chúng tôi có thể hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình, để có thể gieo những hạt giống tâm hồn cho đời.

Đến đây tôi xin mượn lời thơ của thầy giáo Lê Ngọc Điều để thay cho lời muốn nói về nghề giáo:

“Thầy cô là những đóa hoa tươi

Dưới ánh nắng xuân đẹp tuyệt vời

Vườn hoa giáo dục rung rinh gióo hương sắc đến muôn người”

          Đúng vậy vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người. Thì những người thầy, người cô chúng tôi sẽ điểm tô cho đất nước những chuyến đò tri thức, đem lại những đóa hoa tươi sắc nhất để cống hiến cho đời. Trong cái se se lạnh của mùa thu, khi ngày 20/11 đến gần, lòng tôi lại như ấm lại. Ấm bởi lẽ một mùa tri thức nữa lại bắt đầu, chuyến hành trình của mình để vào đời. Đó chính là món quà vô giá mà lớp lớp học trò đã gửi gắm lại cho chúng tôi – người thầy, người cô – những người vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa – Từng ngày giọt mồ hôi rơi đầy trang giấy, để em đến bên bờ ước mơ....


                              Nguyễn Thị Ngọt- GV trung tâm GDNN-GDTX Yên Dũng